Friday, May 16, 2008

Người ăn xin khốn khổ có thân hình kỳ dị

Cha mất, mẹ già, nhà có 8 chị gái, chỉ có anh là con trai duy nhất. Nhưng một cơn bạo bệnh ập đến đã khiến cậu con trai 3 tuổi bị liệt, suốt đời phải mang một thân hình kỳ dị, sống nhờ vào lòng thương của người đời.
Anh là Huỳnh Tâm Duy (sinh năm 1968, tại Khánh Hòa), có một thân hình hết sức kỳ dị. Cơ thể anh giống như một bộ xương di động, đôi chân anh có thể gác chéo lên cổ một cách rất dễ dàng.

Anh ngậm ngùi kể: Cha mất khi anh vừa mới lọt lòng mẹ. Khi sinh ra anh cũng bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng rồi năm 3 tuổi, bị một cơn bạo bệnh, chân tay teo lại, thân hình ốm nhom, gia đình đưa vào bệnh viện nhưng cũng không thể cứu anh thoát khỏi số phận thiệt thòi - Anh bị liệt hoàn toàn.
Các chị gái ai cũng lần lượt có chồng, có gia đình riêng nên cũng không giúp anh được gì nhiều. Anh sống nhờ vào mảnh ruộng mà ngày ngày người mẹ già nai lưng ra cấy hái.

Thương mẹ tuổi già sức yếu, anh Duy theo một người chị vào Nam hành nghề bán vé số.
Ở mảnh đất này, hạnh phúc đã mỉm cười với anh. Nhờ mai mối, anh quen rồi yêu và cưới được một người con gái lành lặn. Cảm thông với tình cảnh của anh, chị Nguyễn Thị Thơ (sinh năm 1973, quê Cần Thơ) đã tình nguyện về làm vợ anh.

Thần may mắn một lần nữa lại đến khi một người mua vé số của anh trúng độc đắc, đã cho anh một số tiền đủ để mua một miếng đất. Anh chị dành dụm chút tiền mua cây lá cất mái chòi ở tạm che mưa che nắng.
Lần lượt 3 đứa con ra đời, gia cảnh càng trở nên túng thiếu hơn. Thấy nghề bán vé số không thể trang trải đủ những khó khăn của gia đình cho nên vợ anh đã chuyển sang đi làm thuê, làm mướn. Còn anh thì đi ăn xin.

Anh Duy cho biết các con đều đã đi học, đứa học lớp 9, đứa lớp 8, đứa lớp 5. Anh đi ăn xin mong kiếm chút tiền lo học phí, mua sách vở cho con đi học.
Nhìn thân hình tiều tụy và kỳ dị của anh, tôi thật sự xúc động. “Hành trang” ăn xin của anh là một cái xô, một cái châu, một cái âm ly để mở băng cho bà con cô bác nghe. Đoạn băng anh thường mở là những tiếng đọc về nghĩa tình ở đời, nghe sao não lòng!

Không có tiền mua xe lăn, anh di chuyển khắp chốn trên một miếng ván có gắn bánh xe. Nhiều khi tấm ván trượt mạnh hay vấp phải cái gì đó, cả người và xe cùng bổ nhào ra đường…
Khốn khó như thế nhưng anh vẫn gắng lo cho các con cái chữ. Anh Duy bảo, thất học thì khổ lắm, lại đến như bố mẹ thôi.

Chúng tôi tạm biệt anh ở ngã tư đường, vòng xe cứ lăn tròn phía trước, phía sau là những âm thanh mời gọi tấm lòng nhân ái của người đời, thiết tha, não nề.

No comments: