Monday, May 19, 2008

Cháu Thành mắc căn bệnh di truyền hiểm nghèo

Gặp tôi, người phụ nữ ấy chỉ khóc, chị chỉ nói được duy nhất một câu trong tiếng nấc nghẹn ngào: "Mọi người hãy giúp đỡ cho con em được chữa khỏi bệnh".
Có lẽ do số phận, tôi được các bác sĩ Viện Huyết học và Truyền máu Trung ươngđưa đến gặp mẹ con chị Nguyễn Thị Mai khi chị đang chăm sóc cháu Nguyễn Đức Thành tại Trung tâm điều trị bệnh máu không đông (Hemophylive) tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.
Sinh ra trong một gia đình có tiền sử bị bệnh máu không đông, chị Nguyễn Thị Mai trú tại thôn Kinh Triều, xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng vẫn hy vọng những đứa con của mình không mắc phải căn bệnh quái ác đó. Thế rồi, những đứa trẻ của chị ra đời.
Đứa lớn sinh ra được 4 ngày tuổi thì mất. Đứa thứ hai là gái sinh ra khỏe mạnh giúp anh chị bớt đi những mất mát khi mất đi đứa con trai lớn. Khi đứa con trai thứ 3 của anh chị ra đời năm 2004, đã giúp cho căn nhà nhỏ bé nghèo nàn của hai vợ chồng chuyên làm nông nghiệp ấy luôn đầy ắp tiếng cười của trẻ con.
Cháu Thành sinh ra khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Cho đến một ngày, lúc đó cháu được 14 tháng không may bị ngã khiến máu bị tụ ở xương hàm. Khi đưa cháu đến điều trị ở Bệnh viện Hải Phòng, vết thương của cháu không thể cầm máu được thì chị Mai mới ngã ngửa khi biết con mình cũng bị mắc căn bệnh đã trở thành tiền sử của gia đình.
Chị gạt nước mắt và quen dần với nỗi đau đó khi hằng tháng đưa con đi truyền máu ngoại trú. Nhưng dường như bất hạnh giáng xuống gia đình chị không chỉ dừng lại ở đó. Đến năm 2006, điều không may mắn lại ập xuống gia đình nhỏ bé của chị khi cháu Thành lại bị ngã đập mặt xuống đường khiến cháu bị thương nặng. Lúc đầu má bị sưng chảy máu, sau đó nhiều lần răng bị trồi lên, dài ra nên phải nhổ đi.
Và đến tháng 12/2007 thì hàm của cháu sưng tấy thành một khối u to dần và kín đầy miệng khiến cháu không thể ăn được. Cố gắng lắm, chị chỉ cho con uống được sữa bằng chiếc ống nhỏ. Chị Mai lại tiếp tục cuộc hành trình đưa con đi khắp các bệnh viện để chữa trị.
Mới đây, sau khi được các bác sĩ ở Trung tâm điều trị bệnh Hemophylive chăm sóc, cháu đã có thể ăn uống trở lại dù cái u trong miệng cháu vẫn không hề suy giảm. Các bác sĩ cho biết, để xác định u lành hay u ác thì cần phải cắt sinh thiết 1 phần khối u để xét nghiệm. Nhưng do cháu Thành mắc bệnh Hemophylive nên để làm được điều đó thì cần phải bổ sung 1 yếu tố đông máu (yếu tố 9). Và nếu xác định đó là u lành tính thì sau khi phẫu thuật cũng phải dùng một lượng lớn yếu tố này.
Các bác sĩ cũng cho biết, hiện nay loại yếu tố này trong nước rất hiếm, phải nhập từ nước ngoài và chi phí khá đắt. Nhưng để có đủ tiền chữa chạy cho con khỏi bệnh thì gia đình chị Mai không biết trông cậy vào đâu. Bởi lúc này, nguồn lao động chính trong gia đình chị Mai chỉ còn trông cậy vào chồng chị.
Ngoài công việc bên mảnh ruộng nhỏ của gia đình, thời gian còn lại, anh tranh thủ kiếm việc làm thêm nhưng cũng chỉ đủ tiền ăn cho gia đình và nuôi con gái ăn học, còn tiền chạy chữa cho cháu Thành thì vẫn phải đi vay mượn khắp nơi mà vẫn không đủ. Anh chị chỉ còn biết khóc cho số phận hẩm hiu của đứa con mới 4 tuổi.
Với tấm lòng của những người cầm bút, chúng tôi mong các cơ quan, đoàn thể, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước hãy biểu hiện tấm lòng tương thân, tương ái, giúp đỡ gia đình chị Mai chữa chạy cho cháu Thành khỏi căn bệnh hiểm nghèo.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: chị Nguyễn Thị Mai, thôn Kinh Triều, xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng hoặc Quỹ Xã hội từ thiện - Báo CAND, số 66 Thợ Nhuộm, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Xin Chân Thành Cảm Tạ Và Biết Ơn

Hãy giúp đỡ chị Năm vượt qua bệnh tật hiểm nghèo

Trong ảnh là chị Nguyễn Thị Năm, 54 tuổi, trú tại xóm 4B, xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Cuộc sống quá khó khăn và bệnh tật giày vò chị mấy chục năm qua làm chị già đi so với tuổi 54 rất nhiều.

Bị dị tật bẩm sinh - liệt nửa người bên trái, một tay cố bám víu vành xe lăn, chị nghẹn ngào trong tiếng nấc cùng những giọt nước mắt, chị kể: Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo thuộc diện nhất nhì của huyện, bố mẹ chị sinh được 6 anh chị em, vì quá vất vả lại bệnh tật, cả bố lẫn mẹ chị đều đã mất từ lâu.
Hai anh trai đi bộ đội, anh cả đã hy sinh tại chiến trường B năm 1968; anh trai thứ ở chiến trường về bị nhiễm chất độc dioxin cũng đã qua đời. Chị gái và 2 em trai út phải vào các tỉnh phía Nam kiếm sống, đã từ lâu cũng chẳng thấy tin tức gì.


Bản thân chị, năm 1998, chị mang bầu rồi sinh được một cậu con trai mang họ mẹ: Cháu Nguyễn Công Mạnh đang học lớp 4 Trường Tiểu học của xã. Suốt nhiều năm qua, mẹ con chị sống bằng 60 nghìn đồng tiền trợ cấp của huyện và sự đùm bọc thương yêu giúp đỡ của bà con chòm xóm.
Đã khó khăn, tật nguyền, lại càng khó khăn; vừa qua chị lâm bệnh nặng, được chính quyền, nhân dân địa phương và các cá nhân, tổ chức xã hội giúp đỡ, chị đã được ra Hà Nội phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến u vùng ngực tại Bệnh viện K Hà Nội.
Hiện tại chị đang lâm vào tình trạng đặc biệt khó khăn. Rất mong được các cá nhân, các tổ chức xã hội, đoàn thể, những tấm lòng hảo tâm hãy dang tay cứu giúp mẹ con chị Năm vượt qua khó khăn để tiếp tục điều trị bệnh tật trở về với cuộc sống.


Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Quỹ XHTT Báo CAND số 66 Thợ Nhuộm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội hoặc chị Nguyễn Thị Năm, xóm 4B, xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An

Xin Chân Thành Cảm Tạ Và Biết Ơn

Bà mẹ già với hai đứa con tâm thân

Bà Phạm Thị Thơi, ở thôn Đồng Đại, xã Đồng Thanh, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, năm nay gần 60 tuổi. Người chồng chết sớm vì bệnh hiểm nghèo, nhà có hai người con: một gái, một trai, nhưng cả hai đều không được minh mẫn bình thường.
Anh con trai bị mắc bệnh tâm thần điên dại, những ngày lên cơn thường đập phá đồ đạc trong nhà, còn người con gái cũng đã đi theo một số người vào các tỉnh phía Nam kiếm sống, nhưng cũng bị bệnh tật và nghèo khó.


Do con cái như vậy làm cuộc sống của gia đình bà Thơi cứ nghèo dần và lâm vào cảnh khốn khó. Ngôi nhà gia đình đang ở hiện nay cũng do quỹ bảo trợ và xóm làng xây dựng giúp.
Trong ngôi nhà ấy không có một vật dụng đáng tiền, thậm chí trong nhà cũng chẳng có lấy cái giường mà nằm, anh Hiệp bị bệnh tâm thần nên phải trói chân nằm dưới nền đất trùm một cái chăn nhàu nát kín đầu.


Qua bài báo này, chúng tôi rất mong chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức xã hội, đoàn thể và các cá nhân hảo tâm giúp đỡ để có thể đưa anh Hiệp đến trại tâm thần cứu chữa, giúp bà Thơi chữa được bệnh và nâng dần sức khỏe.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Quỹ XHTT Báo CAND, số 66 Thợ Nhuộm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội hoặc bà Phạm Thị Thơi, hay em gái là Phạm Thị Mai, thôn Đồng Đại 3, xã Đồng Thanh, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình

Xin Chân Thành Cảm Tạ Và Biết Ơn

Một gia đinh nghèo nhất xã mong có tiền giúp con chữa bệnh

Gia đình chị Gái vốn là một hộ nghèo nhất của xã, sinh được 3 người con thì không may con trai đầu, cháu Nguyễn Bá Mạnh, 16 tuổi bị suy thận giai đoạn cuối. Hiện nay, để duy trì sự sống, cháu Mạnh đang phải chạy thận nhân tạo ba buổi một tuần tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Gia cảnh vốn đã khó khăn giờ càng thêm túng quẫn.
Người dân ở thị trấn Tây Đằng, Ba Vì, Hà Tây không ai là không biết và thương cảm đối với hoàn cảnh gia đình chị Nguyễn Thị Gái (39 tuổi) trú tại xóm Mới, thôn Chợ Chàng, thị trấn Tây Đằng, Ba Vì, Hà Tây.


Gia đình chị Gái vốn là một hộ nghèo nhất của xã, sinh được ba người con thì không may con trai đầu, cháu Nguyễn Bá Mạnh, 16 tuổi bị mắc bệnh hiểm nghèo, bị suy thận giai đoạn cuối. Hiện nay, để duy trì sự sống, cháu Mạnh đang phải chạy thận nhân tạo ba buổi một tuần tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Mặc dù đã có bảo hiểm y tế nhưng chi phí để đưa cháu một tuần ba ngày từ Hà Tây lên Hà Nội cùng với tiền thuốc mỗi tháng hết hơn 200.000 đồng khiến hoàn cảnh nhà chị khó khăn lại càng thêm túng quẫn.
Ngoài làm ruộng, hai vợ chồng chị Gái cũng nhận mọi việc làm thuê làm mướn. Nhưng, tiền thuốc thang cho cháu Mạnh chưa lo đủ, lại phải lo đến chi phí sinh hoạt cho hai con còn nhỏ.


Tâm sự với chúng tôi, chị Gái không giấu được những giọt nước mắt: "Gia đình đã phải cầm giấy tờ nhà đất để lấy tiền chữa bệnh cho cháu mà nợ nần vẫn chồng chất. Nhiều lần, không có tiền mua thuốc, cháu Mạnh bệnh tình thêm nặng. Nhìn con ốm yếu mà tôi không biết làm thế nào. May mà bà con lối xóm thương tình, lúc thăm hỏi động viên, lúc giúp bữa ăn".
Gia đình chị Nguyễn Thị Gái đang rất cần sự giúp đỡ của bạn đọc gần xa, những tấm lòng hảo tâm để cháu Nguyễn Bá Mạnh có tiền chữa bệnh, vợ chồng chị Gái thêm niềm tin vượt qua những khó khăn.


Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Nguyễn Thị Gái, trú tại xóm Mới, thôn Chợ Chàng, thị trấn Tây Đằng, Ba Vì, Hà Tây hoặc Báo CAND, 66 Thợ Nhuộm, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Xin Chân Thành Cảm Tạ Và Biết Ơn

Hơn 2 triệu người cao tuổi sống nghèo khổ

Hiện cả nước có hơn 7 triệu người cao tuổi (chiếm gần 9% dân số) nhưng 34% trong số này sống nghèo khó. Nhiều người bị tật nguyền, thương tật trong chiến tranh, cô đơn không nơi nương tựa...

Nhằm xã hội hóa việc chăm sóc, giúp đỡ người cao tuổi khó khăn, cô đơn không nơi nương tựa hòa nhập với cuộc sống, năm 2006, Thủ tướng đã cho phép Hội Người cao tuổi Việt Nam thành lập Quỹ chăm sóc Người cao tuổi.
Tối 5/6, Quỹ chăm sóc người cao tuổi Việt Nam sẽ tổ chức chương trình ca nhạc "Toàn xã hội chăm sóc Người cao tuổi" được truyền hình trực tiếp trên VTC1.
Chỉ cần nhắn tin: UHNCT gửi 8763, bạn đã ủng hộ Quỹ chăm sóc Người cao tuổi 15.000 đồng. Tấm lòng hảo tâm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp... sẽ giúp cho việc chăm sóc hàng triệu người cao tuổi ngày một tốt hơn.


Sự hảo tâm của Quý đơn vị, cá nhân xin gửi về: Quỹ chăm sóc Người cao tuổi Việt Nam, 12 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội, tài khoản: 10201000050522-4 (Ngân hàng Công thương Ba Đình) hoặc điện thoại: 04.2915543/ 7344037/ 0903262362 (gặp ông Ngô Văn Quỳnh).

Xin Chân Thành Cảm Tạ Và Biết Ơn

Friday, May 16, 2008

Gánh nặng trên đôi vai cô bé mồ côi

Tiềm thức tuổi thơ của em là những ngày tháng phải sống triền miên trong sự sợ hãi bởi nỗi đau mất đi những người thân yêu nhất.
Chưa đoạn tang mẹ thì đến tang bà nội. Đau đớn vì mất vợ mất mẹ, cha em cũng sinh bệnh và qua đời ở cái tuổi 38. Vượt qua mọi đau khổ thiệt thòi, em vẫn cố gượng dậy bươn chải mưu sinh, nuôi hai em thơ dại và ông nội mù lòa…
Nỗi đau chồng chất nỗi đau

Căn nhà 3 gian trống toang, trống tuềnh bởi các cửa mới chỉ được che bằng những tấm liếp rách nát và những bao tải rách. Loang lổ trên những bức tường chỗ xây gạch, chỗ xây đá chưa được trát da là nhưng mảng rêu mốc đen ngòm. Thấy người lạ, đứa trẻ đang chạy chơi ngoài sân vội chạy nép vào ông cụ đang ngồi ho trên chiếc chõng tre kê ngay giữa nhà. Trên bàn thờ là di ảnh của những người xấu số.

Trong cái khung cảnh đó, cầu chuyện về gia đình cứ chốc chốc lại đứt đoạn vì tiếng nấc.

Cả cuộc đời ngắn ngủi của bố mẹ em là những cuộc vận lộn chống chọi với cái nghèo, cái đói. Sức vóc nhỏ bé, nhưng vì không muốn chúng em phải khổ nên cả bố mẹ đều lao động quần quật quanh năm suốt tháng. Hết cấy hái lại đến khai thác đá. Những viên đá xây nên cái nhà này cũng đều do một tay bố em gánh về từ ngọn núi cách nhà hàng cây số. Căn nhà dở dang này cũng phải mất ba chặng mới làm được nên. Nhưng đến khi làm xong nhà, chưa được ở ngày nào thì cả bố mẹ lần lượt “ra đi”.

Phương kể đến đây thì ngước nhìn lên bàn thờ bố mẹ rồi òa khóc. Ông nội Phương thấy vậy động viên cháu rồi cụ kể: “Năm 2000, sau khi sinh đứa con út được 3 năm, chị Nguyễn Thị Viên cứ yếu dần rồi phá bệnh ung thư phổi. Nhà nghèo không có tiền chạy chữa nên đành nằm chờ cái chết đến với mình. Anh Nam chạy vạy khắp nơi, lo tiền mai táng cho vợ còn chưa trả hết thì mẹ anh Nam cũng phát bệnh rồi chết. Mất vợ, mất mẹ lại kiệt sức vì mưu sinh để nuôi đàn con thơ dại và người bố mù lòa, năm 2005 anh Nam cũng phát bệnh ung thư máu mà chết”.

Đến đây giọng cụ nghẹn lại: “Tôi già rồi, sao ông trời không bắt tôi đi… để cho nó ở lại nuôi con. Từ khi bố mẹ chúng chết đi, lũ trẻ côi cút tội nghiệp lắm các bác ạ! Đã vậy còn phải hầu hạ cái thân già này nữa chứ” (nói rồi cụ ho sặc sụa).

Những nẻo đường mưu sinh

Trong những câu chuyện đứt quãng, tôi đã phần nào cảm nhận được nghị lực phi thường của cô bé có dáng người nhỏ nhắn và khuôn mặt thanh tú trắng trẻo này. Chưa kịp trưởng thành em đã phải gánh trên vai gánh nặng gia đình. Vừa chôn cất cha xong, Phương đành gạt những dòng nước mắt thương cha, bỏ lại người ông mù lòa và hai đứa em thơ dại đang tuổi ăn tuổi lớn để kiếm kế mưu sinh. Hết vào Sài Gòn làm rửa bát, lại ra Hà Nội là ôsin… cóp nhặt từng đồng gửi về nuôi cả gia đình.

Ông già yếu, hai em thơ dại khiến Phương đi làm mà không thể yên tâm. Từ Hà Nội em lại xin về đi bán xăng ở cây xăng gần nhà. Tuy được ở gần ông và các em nhưng tiền công chẳng đáng là bao. Cấy ruộng cả măm đến ngày thu hoạch thì bị những chủ nợ đến lấy hết thóc. Nhiều hôm nhà hết sạch gạo, bốn ông cháu không biết làm gì đành ôm nhau khóc.

Qua một người cùng làng giới thiệu, Phương đã đến làm thuê cho một gia đình bán chả cuốn ở thị xã Phủ Lý, Hà Nam. Phương tâm sự: “Làm ở đây công việc cũng đỡ vất vả lại gần nhà, mỗi tháng em được trả cho 500 ngàn gửi về nuôi ông nội và các em”.

Cố gắng hết sức, Phương cũng chỉ lo được cho cả nhà khỏi chết đói, còn nợ nần và việc học của các em thì cũng đành lỡ dở. Ông nội lại thường xuyên ốm yếu. Đứa em trai kế tiếp của Phương đang học lớp 9 cũng đành bỏ học vì không có tiền mua sách vở. Hiện em thứ ba đang học lớp 3 cũng có nguy cơ phải nghỉ học.

Cảnh nghèo đến ước mơ cũng giản dị. Phương mơ ước kiếm được đủ tiền để trả hết tiền nợ đã vay để mai táng cha, mua cho ông nội cỗ quan tài để khi ông nằm xuống đỡ phải nhờ xã hội. Phương mơ ước có tiền để lo em út đi học thành người. Trong số những ước mơ đó tôi chưa thấy điều gì em dành cho mình…

Mọi sự giúp đỡ, chia sẻ xin gửi về:

1. Quỹ Nhân ái - Báo điện tử Dân trí - Số 2/48 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội; Điện thoại: 04. 7366491 (Máy lẻ 101)

2. Cụ Nhữ Văn Tham (ông nội em Phương), Đội 3, thôn Nham Kênh, xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm (Hà Nam)

3. Điện thoại cho em Nhữ Thị Phương theo số điện thoại tại nhà hàng nơi em đang lam thuê 0351. 855 262.


Xin Chân Thành Cảm Tạ Và Biết Ơn

Nỗi bất hạnh của một cô giáo nghèo

15 năm qua, chị sống triền miên trong lo lắng và đau khổ. Mọi bất hạnh của cuộc đời cứ lần lượt giáng xuống cái gia đình bé nhỏ của chị. Cả ba đứa con chị đứt ruột đẻ ra đều mắc chung một căn bệnh quái ác Hemophilia (máu không đông).
Nỗi đau mang tên “Hemophilia”


Như bao cô gái khác sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo này, chị Nguyễn Thị Động đã xây dựng gia đình và sinh hạ được 3 người con trai. Những năm đầu, gia đình chị lúc nào cũng ngập tràn hạnh phúc. Thế nhưng “hạnh phúc chẳng tầy gang”… tai hoạ đã ập xuống.

Cách đây 15 năm, cháu lớn sau một lần mổ chấn thương ở tay bị chảy máu kéo dài, chạy chữa khắp nơi không khỏi, đưa lên viện Huyết học truyền máu Trung ương thì được phát hiện mắc bệnh Hemopilia (máu khó đông). Học hết cấp 2, do sức khoẻ quá yếu, cháu phải nghỉ học, sau đó học nghề may nhưng nay không thể làm việc được.
Vốn đã nghèo, quanh năm lo tiền chạy chữa cho con khiến kinh tế gia đình trở nên kiệt quệ. Thế nhưng, nỗi bất hạnh không dừng lại ở đó. Năm 2004, cháu thứ ba, 13 tuổi, bị chảy máu ổ bụng nhưng lại bị chẩn đoán nhầm là viêm ruột thừa.

Sau khi phẫu thuật bị liệt 2 chân và nguy hiểm hơn cả là sau khi phẫu thuật bác sỹ mới phát hiện cháu cũng bị bệnh giống anh. Kể đến đây, chị Động ứa nước mắt: “Thương lắm bác ơi! Trước khi đến viện, cháu nó vẫn đi lại bình thường, đến khi ra viện hai chân cứ mềm như bún. Từ đó mọi thứ đối với cháu chỉ là con số 0. Học hành dang dở mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ bố mẹ”.

Tưởng rằng, đứa con thứ hai khoẻ mạnh sẽ là nguồn động viên cho gia đình, ai ngờ đâu. Năm vừa qua, sau một lần bị ngã, cháu bị chảy máu cơ đáy chậu và cũng được phát hiện mắc bệnh máu chảy không đông giống như anh.
Nỗi bất hạnh không buông tha cô giáo nghèo, chồng của chị bị sỏi thận 2 lần mổ, một bên thận bị giãn phải cắt, không đủ sức khoẻ lao động. Giờ đây, cả bốn bố con gần như không làm lụng được gì. Cố lắm cũng chỉ là kẻ đau ít chăm kẻ đau nhiều.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về theo địa chỉ:

1. Chị Nguyễn Thị Động, Thôn 5, xã Quảng Châu, thị xã Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.

2. Quỹ Nhân ái - Báo điện tử Dân trí - Số 2/48 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội; Điện thoại: 04. 7366491 (Máy lẻ 403).


Xin Chân Thành Cảm Tạ Và Biết Ơn