Friday, May 16, 2008

Gánh nặng trên đôi vai cô bé mồ côi

Tiềm thức tuổi thơ của em là những ngày tháng phải sống triền miên trong sự sợ hãi bởi nỗi đau mất đi những người thân yêu nhất.
Chưa đoạn tang mẹ thì đến tang bà nội. Đau đớn vì mất vợ mất mẹ, cha em cũng sinh bệnh và qua đời ở cái tuổi 38. Vượt qua mọi đau khổ thiệt thòi, em vẫn cố gượng dậy bươn chải mưu sinh, nuôi hai em thơ dại và ông nội mù lòa…
Nỗi đau chồng chất nỗi đau

Căn nhà 3 gian trống toang, trống tuềnh bởi các cửa mới chỉ được che bằng những tấm liếp rách nát và những bao tải rách. Loang lổ trên những bức tường chỗ xây gạch, chỗ xây đá chưa được trát da là nhưng mảng rêu mốc đen ngòm. Thấy người lạ, đứa trẻ đang chạy chơi ngoài sân vội chạy nép vào ông cụ đang ngồi ho trên chiếc chõng tre kê ngay giữa nhà. Trên bàn thờ là di ảnh của những người xấu số.

Trong cái khung cảnh đó, cầu chuyện về gia đình cứ chốc chốc lại đứt đoạn vì tiếng nấc.

Cả cuộc đời ngắn ngủi của bố mẹ em là những cuộc vận lộn chống chọi với cái nghèo, cái đói. Sức vóc nhỏ bé, nhưng vì không muốn chúng em phải khổ nên cả bố mẹ đều lao động quần quật quanh năm suốt tháng. Hết cấy hái lại đến khai thác đá. Những viên đá xây nên cái nhà này cũng đều do một tay bố em gánh về từ ngọn núi cách nhà hàng cây số. Căn nhà dở dang này cũng phải mất ba chặng mới làm được nên. Nhưng đến khi làm xong nhà, chưa được ở ngày nào thì cả bố mẹ lần lượt “ra đi”.

Phương kể đến đây thì ngước nhìn lên bàn thờ bố mẹ rồi òa khóc. Ông nội Phương thấy vậy động viên cháu rồi cụ kể: “Năm 2000, sau khi sinh đứa con út được 3 năm, chị Nguyễn Thị Viên cứ yếu dần rồi phá bệnh ung thư phổi. Nhà nghèo không có tiền chạy chữa nên đành nằm chờ cái chết đến với mình. Anh Nam chạy vạy khắp nơi, lo tiền mai táng cho vợ còn chưa trả hết thì mẹ anh Nam cũng phát bệnh rồi chết. Mất vợ, mất mẹ lại kiệt sức vì mưu sinh để nuôi đàn con thơ dại và người bố mù lòa, năm 2005 anh Nam cũng phát bệnh ung thư máu mà chết”.

Đến đây giọng cụ nghẹn lại: “Tôi già rồi, sao ông trời không bắt tôi đi… để cho nó ở lại nuôi con. Từ khi bố mẹ chúng chết đi, lũ trẻ côi cút tội nghiệp lắm các bác ạ! Đã vậy còn phải hầu hạ cái thân già này nữa chứ” (nói rồi cụ ho sặc sụa).

Những nẻo đường mưu sinh

Trong những câu chuyện đứt quãng, tôi đã phần nào cảm nhận được nghị lực phi thường của cô bé có dáng người nhỏ nhắn và khuôn mặt thanh tú trắng trẻo này. Chưa kịp trưởng thành em đã phải gánh trên vai gánh nặng gia đình. Vừa chôn cất cha xong, Phương đành gạt những dòng nước mắt thương cha, bỏ lại người ông mù lòa và hai đứa em thơ dại đang tuổi ăn tuổi lớn để kiếm kế mưu sinh. Hết vào Sài Gòn làm rửa bát, lại ra Hà Nội là ôsin… cóp nhặt từng đồng gửi về nuôi cả gia đình.

Ông già yếu, hai em thơ dại khiến Phương đi làm mà không thể yên tâm. Từ Hà Nội em lại xin về đi bán xăng ở cây xăng gần nhà. Tuy được ở gần ông và các em nhưng tiền công chẳng đáng là bao. Cấy ruộng cả măm đến ngày thu hoạch thì bị những chủ nợ đến lấy hết thóc. Nhiều hôm nhà hết sạch gạo, bốn ông cháu không biết làm gì đành ôm nhau khóc.

Qua một người cùng làng giới thiệu, Phương đã đến làm thuê cho một gia đình bán chả cuốn ở thị xã Phủ Lý, Hà Nam. Phương tâm sự: “Làm ở đây công việc cũng đỡ vất vả lại gần nhà, mỗi tháng em được trả cho 500 ngàn gửi về nuôi ông nội và các em”.

Cố gắng hết sức, Phương cũng chỉ lo được cho cả nhà khỏi chết đói, còn nợ nần và việc học của các em thì cũng đành lỡ dở. Ông nội lại thường xuyên ốm yếu. Đứa em trai kế tiếp của Phương đang học lớp 9 cũng đành bỏ học vì không có tiền mua sách vở. Hiện em thứ ba đang học lớp 3 cũng có nguy cơ phải nghỉ học.

Cảnh nghèo đến ước mơ cũng giản dị. Phương mơ ước kiếm được đủ tiền để trả hết tiền nợ đã vay để mai táng cha, mua cho ông nội cỗ quan tài để khi ông nằm xuống đỡ phải nhờ xã hội. Phương mơ ước có tiền để lo em út đi học thành người. Trong số những ước mơ đó tôi chưa thấy điều gì em dành cho mình…

Mọi sự giúp đỡ, chia sẻ xin gửi về:

1. Quỹ Nhân ái - Báo điện tử Dân trí - Số 2/48 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội; Điện thoại: 04. 7366491 (Máy lẻ 101)

2. Cụ Nhữ Văn Tham (ông nội em Phương), Đội 3, thôn Nham Kênh, xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm (Hà Nam)

3. Điện thoại cho em Nhữ Thị Phương theo số điện thoại tại nhà hàng nơi em đang lam thuê 0351. 855 262.


Xin Chân Thành Cảm Tạ Và Biết Ơn

No comments: